Bao bì ni lông là vật chứa đựng quen thuộc, được con người sử dụng mỗi ngày ở nhà, ở trường, ở văn phòng,…. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ti chất của sản phẩm này. Cùng tìm hiểu về dây chuyền sản xuất bao bì hiện đại và một vài ứng dụng trong cuộc sống.
Bao bì ni lông là gì?
Ni lông hay còn gọi là nilon, là cái tên chung của các polime tổng hợp thuộc nhóm nhựa công nghiệp Polyamide (nhựa PA). Chúng có đặc tính mềm, mịn, không thấm nước, chịu thời tiết và kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc hay côn trùng. Nhờ các đặc tính đó, bao nilon nhanh chóng được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống như: khăn trải bàn, áo mưa, túi đựng rác, găng tay, màng bọc thực phẩm,…Trong đó, túi nilon là được sử dụng nhiều nhất.

Hầu hết trên thị trường, các sản phẩm nilon chủ yếu được chế tạo từ PolyEthylene (Nhựa PE) và PolyPropylene (nhựa PP). Nhờ khả năng trơ về hóa học tương đối cao và độ bền vật lý cũng như độ bền nhiệt tốt nên bao bì nhựa PP được dùng rộng rãi trong chế tạo hộp đựng thực phẩm, sản xuất dạng màng phủ ngoài đối với bao bì sản phẩm nhiều lớp để tăng tính chống thấm khí, hơi nước, tạo độ bóng cao cho bao bì, dễ in ấn,… Nhựa PE được dùng bọc dây điện, bọc hàng, làm màng mỏng che mưa, chai lọ, chế tạo thiết bị trong ngành sản xuất hóa học,…
Dây chuyền sản xuất bao bì nilon hiện nay như thế nào?
Quy trình sản xuất bao bì nhựa nilon trải qua 5 công đoạn chính:
- Công đoạn 1: Trộn nguyên liệu
- Công đoạn 2: Thổi màng film
- Công đoạn 3: in túi nilon
- Công đoạn 4: Cắt và hàn nhiệt
- Công đoạn 5: Đóng gói

Để đảm bảo quy trình diễn ra thông suốt và đạt hiệu quả cao nhất, trong mỗi công đoạn người ta đầu tư một loại máy sản xuất bao bì riêng. Dây chuyền bao gồm:
- Máy thổi bao bì nilon: Đây là loại máy đóng vai trò quan trọng nhất trong quy trình, giúp xử lý hỗn hợp thành dạng nóng chảy, sau đó thổi chúng ra theo dạng hình ống nhằm đảm bảo độ chắc, độ dày và độ trong của màng film. Như vậy, tất cả các nguyên liệu đầu vào được đi qua máy thổi và tạo thành các cuộn film nhựa lớn nhằm chuẩn bị cho công đoạn sản xuất tiếp theo.
Một số máy thổi bao bì nilon được sử dụng phổ biến hiện nay: máy thổi màng co PE, máy thổi màng bong bóng XYPE, máy thổi LDPE, máy thổi HDPE, máy thổi túi PP, máy thổi hai màu,…

- Máy in bao bì nilon: Quá trình in túi nilon được chia thành hai loại. Với những túi đơn giản có từ 1 – 4 màu thì người ta sẽ tiến hành in ngay trong quá trình thổi màng gọi là in inline. Còn đối với những túi có màu sắc phức tạp, người ta thực hiện in ấn riêng gọi là in offline.
Các cơ sở sản xuất bao bì sử dụng máy in ống đồng đối với những túi nilon có hình ảnh tự nhiên, phức tạp. Trong khi đó máy in flexo sẽ được dùng trong việc in những loại túi có hình đơn giản và in với số lượng nhỏ hơn.

- Máy cắt bao bì nilon: Đây là công đoạn mà nhiều cơ sở sản xuất túi nilon thường thực hiện thủ công. Tuy nhiên, để quá trình sản xuất nhanh chóng và chất lượng hơn, một số loại máy móc được sử dụng như: máy cắt 3 biên – 4 biên, máy cắt nhiệt, máy cắt lạnh, máy dán quai túi, máy cắt găng tay 1 và 2 dây, máy cắt nóng và dán quai liên hoàn, máy cắt nhiệt màng chống va đập, máy cắt 6 dây, máy cắt hai tầng, máy cắt túi cuộn, máy cắt dập quai liên hoàn 2line, máy cắt túi zipper.
- Máy đóng gói bao bì nilon: Đây là loại máy sử dụng khi các công đoạn chính đã hoàn tất giúp cho việc đóng thành phẩm vào hộp nhanh chóng hơn và sẵn sàng vận chuyển cho khách hàng theo yêu cầu.
Một số loại máy đóng gói thông dụng: máy đóng gói tự động nằm ngang, máy đóng gói tự động dạng đứng, máy đóng gói đa chức năng, máy đóng gói vỉ, máy đóng gói cầm tay.
Để có một dây chuyền sản xuất bao bì ni lông hoàn hảo, các công ty sản xuất cần phải đầu tư khá nhiều chi phí ban đầu cho các loại máy móc. Điều này giúp các sản phẩm trở nên chuyên nghiệp và ấn tượng hơn. Các doanh nghiệp muốn in ấn, thiết kế bao bì cần xác định được lĩnh vực kinh doanh và phân khúc khách hàng để lựa đơn vị thích hợp.